• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày ban hành: 19/07/2016

Phụ lục 5b: KHUNG ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG XÃ HỘI VÀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN DÂN TỘC THIỂU SỐ (EMDP)
KHI THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA

I. Khung tránh định kiến tới nhóm trẻ em dễ bị tổn thương trong phát triển CT và tài liệu dạy học

1.Xây dựng CT tránh thiên vị, định kiến, bảo đảm công bằng về cơ hội tham gia giáo dục cho các nhóm trẻ em dễ bị tổn thương cần dựa trên một khung phân tích, bao gồm:

1.1. Các giả định lĩnh vực có định kiến, chẳng hạn như: định kiến trong CT khung, định kiến trong CT môn học, định kiến trong các chủ đề học; định kiến bởi người biên soạn; định kiến bởi cách thức thực hiện.

1.2. Các tiêu chí phân tích tránh định kiến, tập trung vào: nhóm HS là người DTTS, giới tính, HS có hoàn cảnh đặc biệt. Ba tiêu chí phân tích cơ bản trên được xem xét qua các cách tiếp cận: phân tích nội dung (phân tích văn bản, bài luận, thông điệp), phân tích hình ảnh xuất hiện và phân tích lời nói (từ ngữ nói, các ví dụ nói ra, người nói)...;

1.3 Xây dựng các chỉ số tương ứng cho mỗi tiêu chí ở trên, phù hợp nội dung ở hàng ngang (i) và nội dung ở cột dọc (ii).

* Lưu ý: việc phân tích cũng cần tham khảo ý kiến của người sử dụng CT, SGK/tài liệu học tập, các chuyên gia về giáo dục dân tộc, chuyên gia về bình đẳng giới, chuyên gia giáo dục đặc biệt và cả người hưởng lợi cũng như các liên đới khác.

2. Xây dựng chỉ số cho các tiêu chí tương ứng với các cấp độ định kiến giả định

Các chỉ số cho từng tiêu chí cần được xem xét qua nội dung (văn bản, bài luận, thông điệp), qua hình ảnh xuất hiện và qua lời nói (từ ngữ nói, các ví dụ nói ra, người nói).

2.1. Các chỉ số cho “tiêu chí DTTS”:

Cần có sự bình đẳng và công bằng trong xuất hiện của các yếu tố liên quan tới các nhóm dân tộc khác nhau trong nội dung, các nhân vật chính và hình minh hoạ, cụ thể:

- Sự hiện diện bình đẳng và công bằng của các nhân vật thuộc các nhóm dân tộc khác nhau: dân tộc Kinh, DTTS, DTTS rất ít người trong các văn bản, câu chuyện và hình minh hoạ.  

-Các nhân vật người DTTSmột cách đa dạng trong phong cách,vai trò lãnh đạo, người ravà tham gia trong các hoạt động xã hội.

- Những chủ đề về tiểu sử hoặc lịch sử cần bao gồm các nhân vật DTTS và những đóng góp của họ cho xã hội.

- Tất cả các nhóm dân tộc được miêu tả là bình đẳng trong các khía cạnh đề cập: hoặc người dân; ở lĩnh vực tri thức hoặc lao động chân tay; trong sự thành công hoặc thất bại...

- Cá nhân thuộc các nhóm DTTS và đa số được thể hiện làm việc, giao tiếp, tham gia hoạt động cùng nhau trong môi trường cộng đồng, nhà trường, công sở

- Hiện diện đa dạng các yếu tố của nhiều địa phương ở Việt Nam, các dân tộc Việt Nam, các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, danh nhân các dân tộc, văn hoá ở các địa phương.

- Hiện diện các đặc điểm về tự nhiên và xã hội, địa hình, địa lí, khí hậu, một số địa danh/danh lam thắng cảnh tiêu biểu, đặc điểm dân cư, phương thức sản xuất và canh tác của các DTTS, cây trồng, vật nuôi, sản vật địa phương, giao thông và phương tiện vận tải đặc thù, cảnh quan, cảnh sản xuất, sinh hoạt...; 

- Hiện diện nét tiêu biểu về văn hoá các dân tộc: Kiến trúc nhà ở, các cơ sở văn hoá tín ngưỡng..., nghề thủ công truyền thống, tập quán cư trú, ẩm thực, trang phục, phong tục, tập quán, giao tiếp ứng xử; truyền thống lễ hội, tết cổ truyền của các dân tộc; văn học nghệ thuật, múa hát truyền thống, trò chơi dân gian của các dân tộc tiêu biểu cư trú tại địa phương.

2.2. Các chỉ số cho “tiêu chí Giới tính”

Các chủ đề học, cấp học, người biên soạn, cách thức học cần tính đến sự xuất hiện của các nhân vật nữ, nam trong nội dung và hình ảnh cho bình đẳng. Tránh việc không dự kiến trước được mức độ xuất hiện của giới/giới tính dẫn đến sự thiên lệch. Cụ thể:

- Tránh việc phản ánh hình ảnh nữ luôn là người đứng sau còn những việc hệ trọng, việc xã hội chủ yếu do nam giới đàm nhiệm. Nam và nữ cần được phản ánh công bằng, bình đẳng trong tham gia các công việc ở nhà, xã hội.

- Nhân vật nam và nữ đều được phản ánh qua các phẩm chất như khả năng lãnh đạo, trí thông minh, lòng dũng cảm, chăm sóc người khác.

- Các thành viên của cả hai giới đều được mô tả trong vai trò truyền thống và phi truyền thống ở tại gia đình, tại nơi làm việc, và hoạt động xã hội.

- Những chủ đề về tiểu sử hoặc lịch sử cần bao gồm các nhân vật của cả hai giới và những đóng góp của cả nam và nữ cho xã hội.

- Cả nam và nữ đều được thể hiện công bằng như các nhân vật trung tâm trong các câu chuyện, đoạn hội thoại, trong hình minh hoạ

- Sử dụng những từ ngữ trung lập, tránh những từ ngữ thể hiện rập khuôn: dùng các từ phi công, bộ đội, cảnh sát, y tá... thay vì dùng từ chú phi công, chú bộ đội, chú cảnh sát, cô y tá/ nữ ý tá…

 2.3. Các chỉ số cho với “tiêu chí trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”[1]

- Các nhân vật có hoàn cảnh đặc biệt cần được xuất hiện bình đẳng, công bằng như các cá nhân khác trong nội dung, hình ảnh, lời nói qua các chủ đề học ở các cấp, lớp học...

- Không có những từ ngữ tập trung vào khiếm khuyết, những điểm yếu của cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt.

- Đề cao tinh thần trách nhiệm, sự cố gắng, nghị lực sống để vươn lên trong khó khăn, khẳng định mình... của các cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt.

- Đề cập qua văn bản, hình ảnh các nhân vật khác nhau ở nhiều trạng thái khác: khoẻ mạnh/đau yếu; bình thường/khuyết tật, người cao/thấp...

- Không chỉ tập trung vào hình ảnh gia đình hạt nhân truyền thống, cần mô tả nhóm gia đình trong đó chỉ có cha hoặc mẹ, cha mẹ nuôi, cha mẹ kế, cha mẹ đồng tính, và/hoặc sống với người thân/anh em họ hàng

- Phẩm chất của nhân vật như khả năng lãnh đạo, trí tuệ, sáng tạo, cần cù... được thể hiện bình đẳng đối với tất cả các nhóm người, trong đó có người có hoàn cảnh đặc biệt.

- Cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt cũng được thể hiện như là các nhân vật trung tâm của câu chuyện hoặc hình minh hoạ như mọi người và được thể hiện làm các công việc ngoài xã hội hoặc trong gia đình như các thành viên khác trong các lĩnh vực liên quan.

- Mọi cá nhân trong xã hội, trong đó có các cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt được thể hiện làm việc, giao tiếp, chơi bình đẳng cùng nhau.

Ngoài các chỉ số riêng biệt tương ứng với từng tiêu chí đã nêu ở trên, một số chỉ số là chung trong cả bốn tiêu chí cần được xem xét như sau:

Vai trò của gia đình:

Những nội dung, hình ảnh, lời nói phản ánh mối quan hệ của các thành viên trong gia đình, sự phân công lao động, vị trí, vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình cân được cân nhắc để tránh định kiến. Chẳng hạn như: người mẹ và em gái nấu bếp, ông bà và bố ngồi uống nước, đọc báo...

Nghề nghiệp:

Các tần số xuất hiện của các nhân vật trong nội dung văn bản, hình ảnh... liên quan đến các nghề nghiệp trong xã hội cần cân nhắc tới các tiêu chí DTTS, giới tính, người khuyết tật, tuổi tác. Chẳng hạn như: cần có người DTTS, đặc biệt là phụ nữ trong hình ảnh các lãnh tụ, cán bộ khoa học thay vì chỉ có hình ảnh đi làm nương...

Tình trạng kinh tế:

Các tần số xuất hiện của các nhân vật hoạt động kinh tế cần liên quan đến DTTS, giới tính, người khuyết tật, tuổi tác. Cần có cách thức thể hiện trong CT một cách trung hoà, không tập trung quá vào nhóm dân tộc hoặc giới tính nào.

Trang phục:

Cần lưu ý tới tần số xuất hiện của các nhân vật trong trang phục trong mối liên quan tới các nhóm DTTS, giới tính, tuổi tác, người khuyết tật. Các chủ đề học tập, các cấp học, phương thức trình bày và các tiêu chí DTTS, giới, trẻ khuyết tật và vấn đề trang phục cần được xem xét trong mối quan hệ trung hoà.

Quan hệ xã hội:

Cần lưu ý mối quan hệ bình đẳng, công bằng, không phân biệt địa vị của các cá nhân trong xã hội liên quan đến các nhóm DTTS, giới, độ tuổi và người có hoàn cảnh đặc biệt ở trong CT,

Sự tham gia trong cộng đồng:

Cần lưu ý sự tham gia bình đẳng của các nhóm người: DTTS, giới, người khuyết tật và các độ tuổi khác nhau trong việc tham gia và xuất hiện trong cộng đồng như những người đại diện của cộng đồng.

Độ tuổi:

Nhân vật già, trẻ, các độ tuổi cần được thể hiện một cách có kế hoạch. Tránh những định kiến như: người già là luôn luôn ốm yếu, con cháu phục vụ, trẻ em là phải được bón cho ăn...

3. Một số đề xuất cho biên soạn SGK/tài liệu học tập

Tài liệu học ảnh hưởng đến HS thông qua việc tiếp xúc với ý tưởng và khái niệm trong tài liệu. Nếu tài liệu là thực tế, phù hợp, có tính đại diện và điển hình, HS sẽ nhận được những tác động tích cực; các nhóm HS khác nhau đều thấy được khuyến khích và hỗ trợ. Tài liệu học tập tốt sẽ giúp HS nhận ra bản thân, tôn trọng sự khác biệt giữa mọi người và học cách sống hoà nhập trong cộng đồng.

Khi biên soạn tài liệu học bảo đảm công bằng, tránh định kiến đến các nhóm đối tượng HS thì cần đảm bảo một số nguyên tắc cụ thể sau:

3.1. Nhóm văn hoá, dân tộc và xã hội

- Được thể hiện cùng với sự tôn trọng những hoạt động, niềm tin và phong tục của họ;

- Được thể hiện tương ứng với số lượng phù hợp các nhóm dân tộc;

- Được thể hiện các hoạt động sống, các ngành nghề và nghề nghiệp của các nhóm;

- Được ghi nhận cho những đóng góp của họ cho cộng đồng;

- Được giới thiệu về tên, nét đặc trưng trong sinh hoạt đời sống hàng ngày.

3.2. Nam và nữ

- Được thể hiện sự tôn trọng bình đẳng như nhau;

- Được minh hoạ trong số lượng và tầm quan trọng tương tự nhau;

 - Được thể hiện đầy đủ trong các ngành nghề, hoạt động như nhau, không có khuôn mẫu;

- Được hiển thị như nhau trong vai trò đóng góp quan trọng cho cộng đồng;

- Được thể hiện như nhau trong các khía cạnh: tinh thần / vận động, sáng tạo, giải quyết vấn đề, thành công, thất bại;

- Thể hiện như nhau trong các cảm xúc của con người; và đều thể hiện vai trò, trách nhiệm như nhau của những người làm mẹ,.cha, bà, ông.

3.3. Trẻ em

- Các nhóm Quyền trẻ em được thể hiện qua nội dung văn bản hoặc hình minh hoạ;

- Trẻ em được thể hiện trong các vai trò: có khả năng đưa ra quyết định, tham gia ý kiến và giải quyết vấn đề;

- Trẻ được khuyến khích đặt câu hỏi liên quan đến định kiến;

- Tìm hiểu và đánh giá các chủ đề, nội dung về xã hội và cá nhân.

3.4. Nhóm người có hoàn cảnh đặc biệt

- Được có cơ hội thể hiện năng lực cá nhân;

- Được thể hiện tôn trọng trong các hoạt động học tập, sinh hoạt và nghề nghiệp;

- Được thể hiện những đóng góp của họ với cộng đồng;

- Được thể hiện trong cùng một loại hoạt động với người không có hoàn cảnh đặc biệt.

Tham khảo phụ lục 3.

4. Một số lĩnh vực phân tích ngôn ngữ cần chú ý khi phát triển các văn bản trong tài liệu học

4.1. Tần số xuất hiện trong văn bản

Cần lưu ý tới tần số xuất hiện đồng đều của trẻ em/cá nhân của các dân tộc Việt Nam, trẻ em khuyết tật, trẻ em trai và em gái trong các văn bản.

4.2. Sắp xếp thứ tự trong văn bản

Cần chú ý tới việc thể hiện thứ tự các nội dung liên quan đến DTTS, giới tính, khuyết tật trong các văn bản để tránh định kiến. Ví dụ: sự sắp xếp thứ tự thể hiện sự rập khuôn trong giới tính: cậu bé - cô bé; anh - chị; cha - mẹ; đàn ông - đàn bà... thể hiện đàn ông thường xuất hiện trước.

4.3. Từ loại trong văn bản

Cân nhắc khi sử dụng những từ có liên quan tới giới tính, chẳng hạn như: cảnh sát/chú cảnh sát giao thông; bộ đội/chú bộ đội; y tá/nữ y tá.

4.4. Phép ẩn dụ

Cân nhắc khi sử dụng các từ/câu trong văn bản dẫn tới bộc lộ những ẩn dụ thể hiện mối quan hệ của cá nhân này với cá nhân khác và cá nhân với xã hội. Chẳng hạn như: phụ nữ được ví với những gì yếu đuối, mỏng manh, mềm mại; đàn ông được thể hiện như một người mạnh mẽ, nghịch ngợm; phụ nữ thường làm công việc nội trợ, đàn ông thì là nhà thám hiểm, phi hành gia...

4.5. Hội thoại

Trong các đoạn hội thoại, cần chú ý đến sự tương tác liên quan đến vấn đề DTTS, giới tính và khuyết tật thể hiện sự tham gia, tiếng nói, tầm nhìn...của trẻ em DTTS, trẻ em trai/gái và trẻ em khuyết tật.

4.6. Phân tích câu chuyện

Cần chú ý tới phân tích các câu chuyện đưa vào trong văn bản: sự xuất hiện của các nhân vật, đặc tính của nhân vật, lời nói, hành động của nhân vật... cần được cân nhắc trong mối liên quan tới trẻ em DTTS, trẻ khuyết tật, trẻ em gái và em trai.

II. Đề xuất Khung phát triển DTTS trong phát triển CT và tài liệu dạy học

1. Mục đích

Phát triển CT và tài liệu học tránh định kiến tới nhóm trẻ dễ bị tổn thương.

2. Mục tiêu

2.1. Đảm bảo các nhóm DTTS nhận được lợi ích về kinh tế và xã hội từ văn hoá phù hợp.

2.2. Tránh những tác động tiêu cực tiềm ẩn tới cộng đồng DTTS.

2.3. Hạn chế tối đa, giảm thiểu hoặc đền bù cho các tác động tiêu cực tiềm ẩn.

3. Các chỉ số

3.1. Đối với mục tiêu 2.1:

- Phát triển những tài liệu học bằng ngôn ngữ DTTS với những cộng đồng DTTS có chữ viết;

- Phát triển những tài liệu học qua nghe, nói bằng tiếng nói của cộng đồng DTTS, đặc biệt với cộng đồng không có chữ viết;

- Bình đẳng trong việc giới thiệu tên gọi và sự tôn trọng những hoạt động, niềm tin và phong tục của cộng đồng DTTS;

- Bình đẳng trong thể hiện các nhóm DTTS và đa số;

- Bình đẳng trong sự hiện diện về đặc điểm lịch sử các DTTS: Quá trình đấu tranh, xây dựng và bảo vệ quê hương của các dân tộc; các sự kiện lịch sử chính của cộng đồng DTTS; các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hoá DTTS;

- Bình đẳng trong sự hiện diện về đặc điểm tự nhiên, xã hội của cộng đồng DTTS: điều kiện địa hình, đặc điểm địa lí, khí hậu; địa danh, danh lam thắng cảnh tiêu biểu; đặc điểm dân cư, tình hình cư trú; phương thức sản xuất và canh tác; cây trồng, vật nuôi, sản vật địa phương; giao thông và phương tiện vận tải đặc thù; cảnh quan, cảnh sản xuất, cảnh sinh hoạt...;

- Bình đẳng trong hiện diện các nét tiêu biểu về văn hoá dân tộc: Kiến trúc nhà ở, đình chùa, đền, miếu; nghề truyền thống; tập quán cư trú; ẩm thực; trang phục; phong tục, tập quán; giao tiếp ứng xử; lễ hội truyền thống, tết cổ truyền; văn học nghệ thuật, múa hát truyền thống, trò chơi dân gian... 

3.2. Đối với mục tiêu 2.2:

- Sự hiện diện bình đẳng và công bằng của các nhân vật thuộc các nhóm DT khác nhau: dân tộc Kinh, DTTS, DTTS rất ít người trong các văn bản, câu chuyện và hình minh hoạ.

-Các n người DTTSmột cách đa dạng: trong phong cách,vai trò lãnh đạo, người ravà người tham gia trong các hoạt động của xã hội.

- Có các nhân vật người DTTS và những đóng góp của họ cho xã hội được hiện diện bình đẳng trong các chủ đề về tiểu sử hoặc lịch sử .

- Cbình đẳng trong các khía cạnh đề cập: hoặc người dân; trong các công việc ở lĩnh vực tri thức hoặc lao động chân tay; trong sự thành công hoặc thất bại...

- Cá nhân thuộc các nhóm DTTS và đa số được thể hiện làm việc, giao tiếp, tham gia hoạt động cùng nhau trong môi trường cộng đồng, nhà trường, công sở hoặc các lĩnh vực khác nhau của xã hội.

- Cá nhân thuộc các nhóm DTTS được thể hiện bình đẳng trong các nghề nghiệp khác nhau; tình trạng kinh tế khác nhau; tỷ trọng (ảnh hưởng lớn) trong các mối quan hệ xã hội.

- Tránh các “định kiến thẩm mỹ” trong thể hiện các vấn đề liên quan đến DTTS.

- Thể hiện bình đẳng giữa các dân tộc trong tần số xuất hiện, sự sắp xếp thứ tự trong văn bản, trong các cuộc hội thoại (trong văn bản), trong các nhân vật của truyện, tránh các từ loại bộc lộ sự so sánh, ẩn dụ.

3.3. Đối với mục tiêu 2.3:

- Đưa ba mục tiêu trong Khung phát triển DTTS là những tiêu chí quan trọng trong việc phát triển CT và tài liệu dạy học.

- Đảm bảo các nội dung phù hợp về giáo dục dân tộc được xem xét trong việc xây dựng CT và tài liệu học tập ở các cấp học, môn học.

- Có quy định cụ thể về tỷ lệ các nội dung trong CT (phần mềm) dành cho địa phương và nhà trường tự phát triển để phù hợp với điều kiện địa phương và các đối tượng người học trong cơ sở giáo dục. Các CT do địa phương và nhà trường tự phát triển sẽ bổ sung cho phần khó có thể đưa vào được trong CT khung dùng chung cho toàn quốc nhằm bảo đảm sự bình đẳng về nội dung CT đối với các nét đặc trưng về văn hoá, con người và những vấn đề đặc trưng khác tại mỗi địa phương.

- Có tỷ lệ phù hợp tri thức người DTTS (ở các cấp độ khác nhau: nhà quản lí, cán bộ nghiên cứu, giáo viên, cộng đồng...) tham gia vào quá trình phát triển CT và tài liệu dạy học.

- Quan tâm tới các định kiến tiềm ẩn có thể gây tác động không tích cực tới cộng đồng người DTTS.

 

 


[1] Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm: trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em nghiện ma tuý; trẻ em vi phạm pháp luật (Điều 40- Luật BV,CS&GD trẻ em).

  • Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày ban hành: 19/07/2016
KHUNG ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG XÃ HỘI VÀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN DÂN TỘC THIỂU SỐ (EMDP) KHI THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA
Số ký hiệu Phụ lục 5b - Sổ tay thực hiện Dự án RGEP Ngày ban hành 19/07/2016
Loại văn bản Khác Lĩnh vực văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành/ Người ký
Ngày có hiệu lực ...
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực Ngày hết hiệu lực ...